Stress – Vấn đề sức khỏe tinh thần không thể xem nhẹ

Stress – Vấn đề sức khỏe tinh thần không thể xem nhẹ

Theo quan điểm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các rối loạn liên quan đến stress (hay gọi tắt “stress”) đang dần trở thành vấn đề sức khỏe toàn cầu), vì nó làm giảm năng suất lao động, suy giảm chất lượng cuộc sống của con người cũng như ảnh hưởng nhiều hơn đến các vấn đề sức khỏe thể chất khác.

Vậy, stress là gì? Vì sao những năm gần đây các rối loạn liên quan đến stress lại dần trở nên phổ biến hơn?

Theo ThS.BS. Nguyễn Trung Nghĩa - Đơn vị Tâm lý Tâm thần, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn: 

Stress là phản ứng của tâm lý và cơ thể trước mối đe dọa hay sự thay đổi từ môi trường. Khi gặp tác nhân gây stress, chúng ta không chỉ cảm thấy căng thẳng về tâm lý, mà cơ thể cũng có nhiều thay đổi để ứng phó với tình huống: cơ bắp căng cứng, tim đập nhanh, hơi thở gấp gáp hơn, đồng tử giãn ra, đường huyết và huyết áp tăng, nhiều năng lượng, đầu óc tỉnh táo... để sẵn sàng đối mặt và giải quyết các tình huống đe dọa hay ứng phó với những thay đổi.

Stress – Vấn đề sức khỏe tinh thần không thể xem nhẹ - 1

ThS.BS. Nguyễn Trung Nghĩa - Đơn vị Tâm lý Tâm thần, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Stress là một phản ứng có lợi vì giúp con người xử lý các tình huống nguy hiểm, thích nghi và trưởng thành hơn trong quá trình thích nghi đó. Tuy nhiên, stress quá mức và kéo dài sẽ dẫn đến hàng loạt các vấn đề bệnh lý của cơ thể (suy giảm miễn dịch, tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim, mất ngủ, đau mỏi vai gáy...) và các rối loạn sức khỏe tinh thần (dễ bực bội cáu gắt, khó kiểm soát cảm xúc, lạm dụng rượu bia, lo âu, rối loạn trầm cảm...).

Các yếu tố môi trường và bên ngoài gây ra các rối loạn liên quan đến stress có thể là những sức ép trong công việc, học tập, mâu thuẫn hoặc đổ vỡ trong các mối quan hệ gia đình, thiệt hại về kinh tế hoặc mất người thân…

Theo thống kê, tại Việt Nam, có khoảng 15% dân số, tương đương khoảng 15 triệu người Việt mắc các rối loạn liên quan đến stress. Con số này thực tế còn cao hơn và có chiều hướng gia tăng từng ngày. Điều đáng quan ngại là phần đông trong số những người này (hơn 2/3) được cho là đã không được tiếp cận chẩn đoán và điều trị tại các cơ sở y tế.

Trong và sau đại dịch Covid-19, thế giới chứng kiến rõ hơn những biểu hiện của thời kỳ “VUCA” với nhiều biến động phức tạp về chính trị xã hội, các bất ổn về kinh tế và môi trường… Tính bất ổn định với các biến đổi lớn, bất ngờ như vậy ngày càng tạo ra nhiều áp lực gây stress cho con người trong hiện tại và tương lai.

Áp lực công việc và cạnh tranh tránh bị đào thải: Để tìm được và duy trì một công việc tốt, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng… khiến bạn áp lực, căng thẳng. Nếu không được giải quyết sớm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe; mất niềm tin, đánh giá thấp bản thân, làm giảm chất lượng cuộc sống.

Quá tải trong học tập, áp lực thi cử: Cứ mỗi mùa thi đến, tỉ lệ học sinh, sinh viên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa tâm thần tăng lên nhiều và phần lớn có liên quan đến căng thẳng, stress do áp lực thi cử.

Thất nghiệp: Stress vì thất nghiệp và hậu quả của nó tác động lên sức khỏe tâm thần mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải. Thất nghiệp có thể khiến bản thân tự nhìn nhận mình là người yếu kém. Stress vì thất nghiệp xuất phát phần lớn do thiếu thốn về mặt tài chính, từ đó cảm giác tội lỗi, tự ti về bản thân, thu mình với những người xung quanh và cộng đồng.

Ảnh hưởng từ sự suy thoái kinh tế toàn cầu: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ, phá sản. Nhiều sàn giao dịch bất động sản và chứng khoán đóng băng; làm cho nhà đầu tư lao đao vì số tiền đầu tư đang “bốc hơi” một cách nhanh chóng. Các nhà đầu tư loay hoay tìm cách trả nợ ngân hàng, hoặc bán tài sản đang có, làm cho cuộc sống trở nên chật vật, tâm lý đầy khủng hoảng.

Stress – Vấn đề sức khỏe tinh thần không thể xem nhẹ - 2

Bằng cách nào để biết bản thân đang có nguy cơ gặp phải các rối loạn liên quan stress và hướng xử trí tiếp theo?

Điều quan trọng nhất là hãy tìm hiểu về các biểu hiện stress để tự nhận biết được sớm mức độ và tác động của stress đã gây ra cho tâm lý và cơ thể của mình. Các chuyên gia gợi ý, bạn có thể sử dụng các công cụ lượng giá tâm lý (hay các bài test tâm lý) để đánh giá tình trạng, xem mình có đang stress quá mức, có đang gặp phải các dấu hiệu của trầm cảm, lo âu hay các rối loạn khác liên quan đến stress không. Hiện tại các công cụ này đang được cung cấp miễn phí tại trang https://grapsy.vn/benh-nhan/, kèm với các hướng dẫn chi tiết, diễn giải kết quả test và hướng xử trí tiếp theo.

ThS.BS. Nguyễn Trung Nghĩa

Đơn vị Tâm lý Tâm thần, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/stress-van-e-suc-khoe-tinh-than-khong-the-xem-nhe-a587937.html

← Bài trước Bài sau →